Viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước quận Hoàn Kiếm 2018.

LỜI NÓI ĐẦU

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, cả một đời vì nước vì dân. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng về đạo đức tâm nguyện của Người Cách mạng, là một biểu tượng về lòng yêu nước, thương dân. Là sự hy sinh cao cả tuyệt vời nhất, đỉnh cao của trí tuệ và tấm gương về lòng nhân ái, bao dung.

Sinh thời, Người luôn luôn chú trọng và phát động phong trào thi đua yêu nước và biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong toàn Đảng, toàn dân ta và đặc biệt là với ngành Giáo dục - Đào tạo một nghề cao đẹp của xã hội lại cần hơn bao giờ hết những tấm lòng thầy giáo, cô giáo biết hy sinh, quên mình cho sự nghiệp trồng người vì tương lai của đất nước

Có biết bao tấm gương người tốt, việc tốt như những đóa hoa ngát hương của những thầy giáo, cô giáo nói riêng và toàn dân nói chung, họ là những tấm gương sáng trong, những hình ảnh tiêu biểu nhất đại diện cho nét đẹp tâm hồn và phẩm chất trí tuệ dân tộc, những nét đẹp, những tấm gương tiêu biểu ấy lan tỏa sự ảnh hưởng tích cực tốt đẹp hàng ngày, trong mọi thời đại của đời sống xã hội để xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày một phát triển, phồn vinh, văn minh hạnh phúc và đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn như  tâm nguyện của  Người. Và những tấm gương người tốt, việc tốt, những  gương điển hình tiên tiến ấy là niềm tự hào, là nền tảng giá trị đạo đức của người dân nước Việt chúng ta.

Trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước Quận Hoàn Kiếm năm 2018 do Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận Hoàn Kiếm tổ chức, tôi muốn viết về một đồng nghiệp luôn luôn được học sinh quý mến, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh tin yêu đó là thầy giáo Nguyễn Huy Tấn, người mà chúng tôi thường hay gọi bằng hai tiếng thân thương, giản dị "thầy Tấn".

Thầy Tấn

(Tùy bút)

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi là một giáo sinh mới về công tác tại trường Trung học cơ sở (THCS) Thanh Quan - quận Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội là sự làm quen thật chu đáo và thân thiện của một thầy giáo có tác phong nhanh nhẹn, đôi mắt sáng với những lời hỏi thăm ân cần người mới đến làm tôi thấy ấm áp và đỡ ngại ngùng. Và trải qua bao năm tháng cùng làm việc dưới một mái trường, ấn tượng tốt đẹp ấy vẫn in đậm mãi trong tôi với những công việc hàng ngày và những thành tích mà thầy cùng với tập thể sư phạm nhà trường xây dựng nên ngày một nhiều. Đó là thầy giáo Nguyễn Huy Tấn, nhân vật mà tôi muốn tôn vinh trong bài viết này với bao xúc cảm, niềm tự hào và mến phục.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức nền nếp của thành phố Hà Nội, ngay từ nhỏ thầy Tấn đã không ngừng phấn đấu rèn luyện và học tập, là con ngoan trò giỏi, là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và người thân. Rời ghế nhà trường phổ thông, chàng trai trẻ bước chân vào giảng đường của trường Đại học Sư Phạm với lòng yêu nghề, mến trẻ, sự khát khao cống hiến sức trẻ cho đời, cho sự nghiệp trồng người cao quý, với lý tưởng, ước mơ, hoài bão trong sáng của người kỹ sư tâm hồn.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm, thầy giáo trẻ Nguyễn Huy Tấn về công tác tại trường THCS Thanh Quan với công việc giảng dạy bộ môn Văn Học, cùng với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, thầy Tấn không ngừng trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo và với tấm lòng nhiệt thành, phong cách tháo vát, năng nổ, thầy  đã được tập thể sư phạm nhà trường bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường.

Tấm huy hiệu Đoàn với màu áo xanh của sức trẻ, thầy và Chi đoàn giáo viên xác định vai trò, trách nhiệm của mình với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" (Lời dạy của Bác Hồ với thanh niên), cùng nhau xây dựng, tham gia hưởng ứng các phong trào Đoàn, Hội, Đội của nhà trường với phong cách chủ động, tự tin, sôi nổi, hiệu quả và chất lượng.

 

Vẫn biết rằng bước vào nghề sư phạm là nghề trồng người với bao khó khăn, vất vả nhưng tiếng cười trẻ thơ, màu phượng đỏ nở rực nơi sân trường mỗi mùa thi, những tán lá bàng xanh mát ..., những điều đó đã làm cho thầy Tấn và chúng tôi bớt đi nỗi mệt nhọc sau mỗi ngày đến lớp.

 

Là một giáo viên chủ nhiệm đã nhiều việc không tên rồi, lại là nam giới nhưng thầy Tấn luôn luôn sát sao tới từng học sinh của lớp mình phụ trách. Trong cái tập thể nhỏ bé của thầy, cũng thật muôn màu lắm vẻ: có em học giỏi, em còn yếu, em rất ngoan lại có những em có cá tính khác biệt thầy luôn phải vất vả và tỉ mỉ tới chúng, bởi nghề thầy giáo chúng tôi là người cha, người mẹ thứ hai của các em ở trường. Tuy cùng là giáo viên được đào tạo ở trường sư phạm với đầy đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhưng cái duyên với nghề, năng khiếu sư phạm không phải ai cũng có được, ở thầy Tấn phẩm chất đó thật nổi trội, nhiều hôm tôi thấy thầy còn phải ở lại rất muộn để trao đổi với phụ huynh về con em của họ, rồi có hôm vị phụ huynh nào đó vì nhỡ công việc không đến trường đón con, thầy nán lại rồi đưa học trò về nhà... Lại nữa, một số trò bướng bỉnh, khó bảo thầy suy tư, trăn trở nhiều lắm, nếu chỉ cứng rắn với chúng bằng những điều luật và biện pháp quy định để phạt trò khi chúng vi phạm, ai cũng làm được nhưng để các em hiểu ra điều chưa đúng, thay đổi nhận thức, chuyển biến, tiến bộ thật khó khăn, tôi nhận thấy ở thầy có một sức hút kỳ lạ đối với học sinh, bởi lòng yêu nghề, mến trẻ, phong cách dung dị, gần gũi, cách xử lý các tình huống sư phạm, cách ứng xử lịch thiệp, tế nhị và tình cảm, cởi mở với phụ huynh học sinh và đồng nghiệp làm cho tôi thấy phải học tập thầy rất nhiều.

 

Những bài văn thầy giảng trên lớp thật hấp dẫn và lý thú, những dòng lịch sử, nét đẹp nhân văn, phong cách sống đẹp mở ra cho các thế hệ học trò từng được học thầy và những nhân cách đẹp cũng được tỏa sáng theo dòng sông trí thức thầy Tấn chuyên trở cho các em, mỗi bài văn thầy dạy là một cuốn sách đẹp, một bộ phim hay cung cấp cho các em thật nhiều kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm tốt đẹp,những giá trị nhân văn của con người, tôi biết được niềm thích thú của các em học sinh qua một lần tình cờ giờ ra chơi tôi nghe thấy mấy cô cậu học trò reo lên: "Thầy Tấn kìa, tiết học sau là của thầy, tớ mong lắm, thầy giảng Kiều thật hay" tôi lặng đi trong giây lát, yêu mấy trò kia quá và thấy tự hào được là đồng nghiệp của thầy, câu nói chân thành của những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo với thầy cô thì phần thưởng nào bằng.

Nhiều học sinh giỏi đạt giải cao môn Văn qua các kỳ thi do các cấp tổ chức, rồi nhiều học sinh yếu kém vươn lên đạt khá hơn, đó là thành quả lao động và tình thương yêu học trò của thầy Tấn trong nghề dạy học, vất vả vinh quang, tự hào, chịu khó, kiên nhẫn là những đức tính, phẩm chất và cảm xúc mà thầy Tấn cũng như chúng tôi cảm nhận và chiêm nghiệm được trong suốt sự nghiệp trồng người.

Có nhiều hôm, cánh cổng trường khép lại sau hồi trống tan trường, thầy còn nán lại để xem các học trò về hết chưa, có việc gì phát sinh không hoặc trao đổi tâm tình với mấy cô chú nhân viên, bảo vệ về tình hình nhà trường, khi cảm thấy an lòng thầy mới về nhà. Và tôi còn hiểu rằng trong gia đình, thầy là người chồng, người cha đầy trách nhiệm, người con hiếu thảo của cha mẹ già, là người anh cả biết lo toan của một gia đình đông con. Tôi và thầy cùng có con gửi ở một trường mẫu giáo, đôi khi đi đón con tôi lại gặp thầy, nhìn hình ảnh cháu bé ríu rít trò chuyện với bố ở cầu thang tôi mới thấy thầy chia sẻ, gánh vác việc nhà với vợ con, gia đình như thế nào.

Sự nhiệt thành, lý tưởng sống tốt đẹp, ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng, thầy Tấn được tập thể quần chúng và Chi bộ Đảng nhà trường giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ Đảng nhà trường có thêm sức mạnh và đóng góp của một người đồng chí, sự tận tâm với nghề lại càng được cống hiến nhiều hơn. Người Đảng viên, người thầy giáo Nguyễn Huy Tấn sống thật có trách nhiệm với nghề, với cuộc sống.

Khi viết đến đây, tôi không thể không kể đến những thành tích, kết quả mà thầy đã đạt được trong suốt quá trình công tác ở trường THCS Thanh Quan. Thầy liên tục đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến và cá nhân Xuất sắc qua các đợt bình xét thi đua, nhiều thế hệ học sinh đạt giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi bộ môn Văn các cấp, và gần đây nhất là thầy đạt giải A1 trong hội thi giáo viên dạy giỏi môn Văn năm học 2017 - 2018 do Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàn Kiếm tổ chức và đạt giải Nhất cấp Quận trong cuộc thi thiết kế, sáng tạo và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học với bài giảng điện tử E-Learning, những danh hiệu, giải thưởng đó thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu và cống hiến của thầy trong nghề, nhưng thầy nói với tôi: "tất cả niềm vui, vinh quang đó sẽ là kỷ niệm, mình còn phải tiếp tục phấn đấu, bởi mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một tấm gương tự học, sáng tạo như phong trào ngành ta phát động và biển học là không cùng". Tôi hiểu suy nghĩ và quyết tâm, nghị lực của thầy và bên cạnh đó là sự khiêm tốn, giản đơn như phong cách của thầy.

Có nhưng lúc ngồi tâm tình với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề, thầy hay chia sẻ, động viên chúng tôi biết vượt qua khó khăn, thầy mộc mạc và chân tình lắm, chỉ đơn giản bên tách nước trà nơi phòng Hội đồng sư phạm, cách nói chuyện của thầy cởi mở, ân tình khiến chúng tôi cảm thấy thật gần gũi, thoải mái khi trò chuyện với thầy, người Đảng viên gương mẫu, anh cả của Chi đoàn Thanh niên chúng tôi, người giúp chúng tôi vơi đi bao muộn phiền, mệt nhọc và thêm yêu nghề, gắn bó với nhau hơn. 

Tôi viết câu chuyện này về thầy vào cuối mùa xuân ấm áp, cây cối đang đâm trồi nảy lộc, nghĩ đến thầy, người đồng nghiệp, người anh khả kính làm tôi thấy thêm yêu đời, yêu nghề và rồi mùa xuân đi qua nhanh thôi, chúng tôi lại sẽ đón mùa hè sang, mùa thi đỏ rực sân trường với từng chùm hoa phượng vĩ, những chuyến đò tri thức đưa các em sang bến mới để rồi các em trưởng thành hơn, vững chắc hơn và khi nhớ về mái  trường yêu dấu của tuổi thơ, các em lại nhớ đến chúng tôi và thầy giáo Tấn với biết bao kỷ niệm. Chúng tôi vẫn ở đây, vẫn miệt mài sách bút, hàng ngày với những trang giáo án đang mở, và tình đồng nghiệp ,sự sẻ chia, yêu thương trách nhiệm với nhau trong đó có thầy, thầy Tấn yêu quý của chúng tôi.

Hoàn Kiếm, tháng 4 năm 2018
Người viết: Phan Phương Ly